Thứ Năm, 18 tháng 6, 2009

SỐNG CHUNG VỚI RẮN

Có lẽ không nơi đâu trên Trái Đất sánh được với một ngôi làng nhỏ bé ở Ấn Độ về mật độ rắn hổ mang. Rắn ở mọi nơi, sống vô tư trong sự tôn thờ của dân làng. Các nhà khoa học đang tìm hiểu vì sao rắn đã chọn nơi này làm “tổ ấm”.


Một người dân ở làng Choto Poshla đang gỡ rắn trước cửa nhà mình ở Choto Pashla, nơi mà cứ 2 người dân thì có 1 con rắn độc. (Ảnh chụp ngày 18/8/2007: AFP)

2 người dân/1 con rắn độc
“Dân số” rắn ở làng Choto Pashla, bang Đông Bengal, đông đúc đến nỗi cứ 2 người dân là có 1 con rắn.

Đa số thuộc loài hổ mang rất độc, có màu đen tuyền, được điểm xuyết bằng một vòng màu vàng sáng quanh cổ. Loài rắn này có thể dài đến 2 mét.

Những con rắn đó được nhìn thấy khắp mọi nơi trong làng – trên những cánh đồng xanh, dưới những mương sâu, trong những ao hồ đầy bùn đất… Và thậm chí có lúc chúng còn “tắm nắng” vô tư theo từng bầy ở những nơi mà chúng yêu thích. Chúng chung sống với người dân trong làng vì không có ai làm chúng phải sợ hãi cả.

Ông Samir Chatterjee, Hiệu trưởng trường làng Choto Pashla, phát biểu: “Rắn có nanh độc là biểu tượng cho cuộc sống của làng tôi. Người dân những làng lân cận không dám qua làng này vì sợ rắn”.

Là người yêu thích động vật hoang dã, ông Chatterjee đã từng viết một quyển sách về rắn hổ mang. Ông nói: “Một khảo sát gần đây cho thấy trong ngôi làng 6.000 dân này có đến hơn 3.000 con rắn”.

Chưa biết vì sao

Trong một chuyến thăm làng Choto Pashla, ông Dipak Mitra, một chuyên gia về rắn, phát biểu: “Đây là ngôi làng duy nhất mà rắn hổ mang có nọc độc cùng sống chung với con người”.

Ông Mitra hiện đang điều hành một trại nuôi rắn ở Kolkata, với trên 700 loài rắn khác nhau. Về sự phong phú của dân số rắn ở Choto Pashla, ông nói: “Thật là một điều không thể tưởng tượng được”.

Theo một quan chức ở Choto Pashla, các nhà khoa học địa chất đang nghiên cứu về đặc điểm của ngôi làng này để giải thích vì sao rắn hổ mang lại chọn nơi đây làm “quê hương”.


Người dân làng Choto Poshla đang cho rắn uống sữa. (Ảnh: www.breitbart.com)

Quan chức này phát biểu: "Chúng tôi tự hỏi vì sao một chủng loài rắn riêng rẽ lại không ngừng phát triển tại làng này. Chúng tôi đang nghiên cứu về địa hình và thổ nhưỡng ở đây để tìm ra câu trả lời”.
Theo truyền thuyết, trong một cơn lũ lớn cách đây 600 năm, từng bầy rắn hổ mang đã tìm đến Choto Pashla, một ngôi làng nhỏ bé sống bằng nghề trồng lúa, để tìm nơi trú ẩn. Làng này cách Kolkata, thủ phủ bang Đông Bengal, 130 km về phía Tây Bắc.

Thờ thần rắn

Ngôi làng theo đạo Hindu này tôn thờ rắn như là một biểu tượng của thần linh. Dân làng tin rằng nhờ rắn mà mùa màng được tươi tốt, cuộc sống của người dân được ấm no.

Ông Chatterjee nói: “Phụ nữ trong làng thường cho rắn uống sữa vào buổi trưa, khi mà vị giáo sĩ trong làng làm lễ cúng thần rắn Manasa trong một ngôi đền”.

Khi có một con rắn chết, dân làng đặt xác rắn vào trong một hũ đất và nhận chìm xuống dòng sông Ganges linh thiêng.

Tuy nhiên, dù cho rắn ăn và làm lễ cầu siêu cho rắn, dân làng thường không đến gần rắn quá chiều dài một sải tay hoặc hơn.

Dipu Majhi, một thanh niên 25 tuổi, nói: “Phong tục trong làng không cho phép chúng tôi chạm vào rắn”. Cách đây 5 năm, Majhi đã bị rắn cắn khi đang câu cá tại một bờ ao.

Hàng năm, có khoảng mười mấy người dân làng chết vì bị rắn cắn, nhưng mọi người ở đây vẫn đối xử thân thiện với rắn theo truyền thống từ bao đời nay.

Thuốc giải nọc rắn hiện có tại một số bệnh viện trong bang Bengal, nhưng do những bệnh viện này nằm xa làng nên khi bị rắn cắn, người dân khó có thể được cứu chữa kịp thời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét